Chăm sóc trẻ sơ sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng phải đảm nhận sau khi chào đón những thiên thần bé bỏng của đời mình. Đây là công việc thú vị nhưng cũng song hành với không ít những khó khăn để có thể đảm bảo môi trường an toàn, thoải mái cho sự phát triển đầu đời của bé. Vì vậy, những kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh luôn được nhiều bậc phụ huynh quan tâm và ở bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn một số thông tin quan trọng nhất. Mời bạn đọc cùng tham khảo!
Cách bế trẻ sơ sinh
Lần đầu bế bé, nhiều ông bố bà mẹ không tránh khỏi cảm giác lúng túng. Lúc này, cơ thể của bé vẫn còn rất non nớt, xương cổ chưa đủ cứng cáp nên khi bế trẻ, ba mẹ nên chọn tư thế bế ngửa, không bế vác bé vì như thế sẽ khiến trọng lực của phần đầu dồn xuống cổ bé. Ba mẹ lưu ý thêm là dùng 2 tay luồn xuống bên dưới rồi nhẹ nhàng nâng bé lên, áp sát vào người mình (1 tay nâng người bé, tay còn lại đỡ phần cổ và đầu của bé).
Trước khi bế trẻ, ba mẹ có thể tạo một dấu hiệu gì đó để trẻ có thể cảm nhận được như nhìn âu yếm hoặc trò chuyện với bé rồi sau đó luồn tay xuống dưới nâng bé lên. Điều này để tránh việc bé bị giật mình, quấy khóc vì đột ngột bị nhắc ra khỏi chỗ nằm.
Hướng dẫn cách cho trẻ sơ sinh bú và ngủ
Kỹ năng cho trẻ sơ sinh bú và cách chăm sóc các bé khi ngủ cũng là một trong những vấn đề quan trọng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Dưới đây là một số lưu ý dành cho bạn.
Chăm sóc trẻ sơ sinh khi bú
Nên cho trẻ bú mẹ trong 1-2 giờ đầu sau sinh. Lượng sữa lúc này chưa thực sự dồi dào nhưng lại vô cùng bổ dưỡng và cần thiết cho bé.
- Tư thế cho trẻ bú: Mẹ có thể cho bé bú bằng tư thế ngồi hoặc nằm, miễn sao mẹ cảm thấy thoải mái và thuận tiện nhất. Nếu ngồi, mẹ nên đặt thêm đệm hoặc gối phía sau lưng để hạn chế nhức mỏi. Với những mẹ sinh mổ, tư thế nằm thường sẽ thoải mái hơn vì giúp giảm cảm giác đau nhức ở phần bụng. Khi cho trẻ bú, mẹ nhớ dùng 1 tay đỡ cổ và đầu bé áp sát vào ngực, tay còn lại dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ phần gần núm vú cũng như điều chỉnh tốc độ sữa. Mục đích của động tác này là để kiểm soát tốc độ sữa, nếu quá mạnh sẽ khiến cho bé bị sặc hoặc văng vào mặt trẻ.
- Thời gian cho trẻ bú: Trẻ sơ sinh thường có nhu cầu bú mẹ khoảng 2-3 tiếng 1 lần, mỗi lần kéo dài từ 15-30 phút. Nếu trẻ ngủ quá nhiều và không dậy bú mẹ thì mẹ hãy chủ động đánh thức bé dậy ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh khi ngủ
Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Do đó, ba mẹ cũng cần chú ý đến thời gian và chất lượng giấc ngủ của con.
Để con ngủ ngon giấc, ba mẹ cần đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ phòng, ánh sáng, âm thanh, vệ sinh,…đều phải ở mức phù hợp. Cụ thể:
- Nhiệt độ phòng: Khoảng 28-30 độ C là nhiệt độ phòng lý tưởng nhất đối với trẻ sơ sinh. Bởi nếu nhiệt độ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và nhiệt độ cao sẽ khiến trẻ có cảm giác nóng bức, khó chịu và ngột ngạt.
- Âm thanh: Đảm bảo môi trường xung quanh trẻ khi ngủ phải thật yên tĩnh, không có những tiếng động lớn. Mẹ cũng có thể hát ru bé ngủ hoặc mở nhạc nhẹ nhàng để bé có thể chìm vào giấc ngủ một cách dễ dàng hơn.
- Vệ sinh: Đừng quên vệ sinh quần áo, mũ, bao tay, bao chân, giường hay chăn ga gối đệm thật sạch sẽ và thơm tho để bé cảm thấy thoải mái nhất, ngủ sâu giấc nhất.
Cách tắm gội, vệ sinh cho trẻ sơ sinh
Cách thay tã cho trẻ sơ sinh
Vì chỉ uống sữa nên trẻ sơ sinh có tần suất đi tiểu khá lớn trong 1 ngày. Mẹ có thể dùng linh hoạt tã giấy đan xen với tã vải để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, dù là loại tã nào, mẹ cũng nên tìm hiểu và lựa chọn các sản phẩm được làm từ chất liệu mềm mại và an toàn với sức khỏe bởi da bé lúc này vẫn còn khá nhạy cảm.
Nên thay tã cho bé ngay sau khi bé tiểu tiện hoặc đại tiện. Thực hiện thao tác thay đã song hành cùng việc vệ sinh khu vực vệ sinh và bộ phận sinh dục sạch sẽ. Mẹ có thể dùng khăn mềm và nước ấm, lau nhẹ từ trước ra sau, sau đó thoa kem chống hăm trước khi mặc tã mới cho bé.
Khi thay tã cho bé, mẹ có thể đặt bé nằm trên giường, bên dưới trải 1 chiếc khăn hoặc thảm nhỏ để không làm bẩn chăn ga gối nệm. Hoặc ba mẹ có thể dùng bàn thay tã cho bé để thực hiện thao tác này một cách dễ dàng hơn nếu chưa có kinh nghiệm.
Cách tắm, gội cho trẻ sơ sinh
Tắm gội cho bé sơ sinh nhìn tưởng chừng như đơn giản nhưng thực chất lại là một trong những kỹ năng khá khó mà không phải ai cũng có thể làm tốt, đặc biệt là những người lần đầu làm ba mẹ. Bạn cần lưu ý một số yếu số sau đây:
- Nhiệt độ nước: Nước dùng để tắm cho trẻ sơ sinh có nhiệt độ khoảng 36-38 độ C là thích hợp nhất.
- Nhiệt độ phòng: Trước khi tắm cho bé, hãy tắt quạt, điều hòa và chờ phòng trở về nhiệt độ thường.
- Đồ dùng của bé: Trước khi tắm cho bé, mẹ nên chuẩn bị sẵn các loại khăn, quần áo, mũ, bao tay, gạc, tăm bông, băng rốn vô trùng,…để có thể sử dụng ngay khi cần mà không bị kéo dài thời gian tắm khiến bé dễ bị lạnh.
- Đồ dùng tắm gội: Để tiện lợi, mẹ có thể sử dụng các sản phẩm sữa tắm gội 2 trong 1 của trẻ sơ sinh, một chiếc khăn sữa nhỏ để lau nhẹ cơ thể của bé.
- Kỹ thuật tắm gội: Người tắm cho bé cần rửa tay thật sạch, lưu ý không để móng tay dài hay đeo trang sức cầu kỳ vì có thể làm da bé bị tổn thương. Bạn có thể dùng bông hoặc khăn mềm, thấm nước muối sinh lý (loại 0,9%) vệ sinh nhẹ nhàng cho bé theo thứ tự sau: Mặt (lỗ mũi, lỗ tai, khuôn mặt) – gội đầu – cổ – tay – toàn bộ cơ thể.
Nếu muốn cắt móng tay, móng chân cho bé, nên ưu tiên cắt ngay sau khi tắm. Vì lúc này, bé đang cảm thấy thoải mái nhất và móng cũng khá mềm. Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt móng cho bé khi bé đang ngủ say để tránh tình trạng bé tự làm đau mình.
Hướng dẫn chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, cuống rốn được coi là vết thương hở, rất dễ bị nhiễm trùng nếu không được chăm sóc tốt. Nhiễm trùng rốn vô cùng nguy hiểm, bởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng.
Việc vệ sinh rốn cho bé cần phải được thực hiện hàng ngày và đảm bảo các bước sau:
- Trước khi chăm sóc rốn cho trẻ, mẹ cần rửa tay thật sạch, sát trùng tay bằng cồn 90 độ.
- Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc rốn của bé ra.
- Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem rốn có bị viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, chảy máu, có mùi hôi hay có bất kỳ bất thường nào khác không.
- Lau rốn bằng bông gòn với nước chín vô trùng, sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
- Sát trùng vùng da quanh rốn bằng nước muối sinh lý.
- Có thể để hở rốn hoặc chỉ cần che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
- Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hay bất kỳ thứ gì vấy bẩn vùng rốn.
Hướng dẫn chăm sóc da cho trẻ sơ sinh
Cuối cùng, mẹ đừng quên chăm sóc da cho bé vì da của trẻ sơ sinh còn rất non nớt và nhạy cảm. Chỉ 1 chút lơ là cũng có thể khiến làn da mỏng manh của bé bị tổn thương.
- Ba mẹ nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tã, khăn, quần áo, mũ, bao tay, bao chân,…cho bé được làm từ chất liệu tự nhiên, mềm mại. Khi mua về có thể cắt bỏ hết nhãn mác và giặt sạch trước khi sử dụng cho bé.
- Thay tã cho bé ngay sau khi bé tè hay ị để tránh bị hăm. Trong 1 ngày, mẹ có thể dành ra một khoảng thời gian nhất định không mặc bỉm cho bé để da bé được “thở”.
- Tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm kem – phấn chống hăm, sữa tắm, dầu gội được làm từ thành phần tự nhiên, an toàn cho da bé.
- Luôn giữ cho da bé ở độ ẩm lý tưởng. Mùa hanh khô, mẹ có thể thoa kem dưỡng ở những vùng da hay bị khô để hạn chế tình trạng đau rát và bong tróc khiến bé khó chịu.
- Trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt và bài tiết nước mắt nên cần giữ bé tránh xa khói thuốc lá hoặc nơi môi trường bị ô nhiễm. Mẹ cũng nên thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, hút bụi chăn nệm, gối nơi bé nằm để con không bị ngứa, mẩn đỏ.
Như vậy, chăm sóc trẻ sơ sinh là một trong những công việc vô cùng quan trọng và cần nhiều sự tỉ mỉ, khéo léo. Hy vọng, những thông tin chúng tôi vừa cung cấp sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để chăm sóc tốt cho các thiên thần nhỏ của mình. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi!
>>> Có thể ba mẹ quan tâm: